30/06/2025
Bạn có dám theo đuổi ngành tâm lý học?
Ngành Tâm lý học là gì? Ra trường làm gì?
Hiện nay, Tâm lý học là một ngành đang nhận được rất nhiều sự quan tâm nhất là từ giới trẻ. Tâm lý học phát triển mạnh ở các nước phương Tây, nhưng chỉ phát triển khoảng vài chục năm nay tại Việt Nam, do đó ngành học này vẫn còn mơ hồ, xa lạ với một số bạn trẻ và phụ huynh. Một số người cho rằng đây là “ngành học mới”, “ít cơ hội nghề nghiệp” mà chưa hiểu được các khía cạnh ứng dụng đa dạng kiến thức của ngành Tâm lý học vào thực tiễn đời sống và các lĩnh vực nghề nghiệp.
Tâm lý học là một ngành khoa học nghiên cứu về hành vi và các quá trình tâm trí liên quan đến cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức, học tập, phát triển và xã hội hóa con người. Các nhà tâm lý học nghiên cứu những quy luật và cơ chế đằng sau những hành vi và quá trình tâm trí này.
Trên thế giới, Tâm lý học có trên 20 nhánh khác nhau và chia thành các lĩnh vực cơ bản (Basic area) hoặc các lĩnh vực ứng dụng (Applied Field) trong đó có 10 lĩnh vực chủ yếu hiện nay như: Tâm lý học phát triển, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học công nghiệp và tổ chức, Tâm lý học ứng dụng, Tâm lý học học đường, Tâm lý học thần kinh, Tâm lý học thể thao, Tâm lý học tội phạm.

Đối với chương trình học của Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM Tâm lý học được chia ra thành 3 chuyên ngành chính tính từ khóa 2025: Tâm lý học lâm sàng – Tham Vấn Học Đường - Ứng dụng AI trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Cùng với chương trình đào tạo được thiết kế cho 4 năm học, bậc Cử nhân Tâm lý học nói riêng và ngành Tâm lý học nói chung có thể cung cấp cho người học những kỹ năng, kiến thức cần thiết để có thể làm việc trong phần lớn các ngành nghề mà chủ thể làm việc là con người.

Ở Việt Nam, Tâm lý học được ứng dụng mạnh trong môi trường giáo dục, học đường, môi trường bệnh viện hoặc các phòng khám, trung tâm tâm lý cũng như môi trường công ty, doanh nghiệp, tuyển dụng, tổ chức nhân sự.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học có cơ hội đảm nhận các vị trí việc làm sau đây:
- Chuyên viên Tâm lý tổ chức nhân sự: Sinh viên có khả năng vận dụng kiến thức đã học để thực hiện các công việc liên quan đến nhà tâm lý tổ chức nhân sự như: phân tích các vấn đề về hành vi cá nhân trong tổ chức, tuyển dụng và đánh giá nhân sự, đào tạo và phát triển nhân sự trong tổ chức, nghiên cứu để xác định các yêu cầu của vị trí tuyển dụng từ đó lên kế hoạch cũng như phỏng vấn tuyển dụng nhân viên phù hợp, ngoài ra, chuyên viên tâm lý tổ chức nhân sự dựa trên kiến thức của Tâm lý học ứng dụng có thể hoạch định các chính sách trong quản trị, kinh doanh.
- Trợ lý của nhà Tâm lý học lâm sàng: Sinh viên vận dụng được kiến thức đã học để thực hiện các công việc của một trợ lý cho nhà tâm lý lâm sàng: đánh giá tâm lý cơ bản, chuẩn đoán ban đầu các rối loạn tâm lý và đề xuất các phương hướng can thiệp.
- Trợ lý nghiên cứu: Sinh viên có khả năng thực hiện nghiên cứu tâm lý học thông qua phương pháp định lượng và định tính dựa trên các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu.
- Giảng dạy về lĩnh vực tâm lý học: sinh viên có khả năng tham gia trợ giảng các nội dung liên quan đến lĩnh vực tâm lý học ở các trường cao đẳng, đại học và các trường dạy nghề
- Tham vấn học đường: sinh viên có khả năng tham gia vào công tác tham vấn tâm lý cho học sinh tại các trường học, chẳng hạn: hỗ trợ học sinh, sinh viên trong việc giải tỏa áp lực cuộc sống, học tập cũng như các vấn đề cá nhân khác ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các em. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ phụ huynh, giáo viên ứng phó với những vấn đề xung quanh học sinh, môi trường giảng dạy. Đảm bảo một môi trường học đường lành mạnh, an toàn.
- Giáo viên dạy kỹ năng sống (từ mầm non đến THPT) tại các Trung tâm kỹ năng sống, các lớp kỹ năng sống của các trường học về các lĩnh vực như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng nhận biết, tư duy sáng tạo, giáo dục giới tính… Tổ chức các hoạt động ngoại khóa hỗ trợ học sinh, sinh viên phát triển toàn diện.
- Tư vấn hướng nghiệp: tại các trường Đại học, Cao đẳng, các Trung tâm tư vấn du học, các Trung tâm hướng nghiệp… Hoặc làm việc tại bộ phận tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS, THPT.
- Chuyên viên can thiệp tại các trung tâm dành cho trẻ đặc biệt (tự kỷ, rối loạn học tập,...). Công việc này cần kết hợp nhiều kỹ năng của ngành Tâm lý ví dụ như nhóm kiến thức kỹ năng của Tâm lý học phát triển, Tâm lý học giáo dục,..
- Quản lý ca: Cử nhân tâm lý có thể làm công việc quản lý ca trong các trung tâm, dịch vụ hỗ trợ tâm lý. Họ thực hiện việc trao đổi sắp xếp lịch tham vấn với thân chủ, nhà tham vấn tâm lý, quản lý các vấn đề hành chính liên quan đến quá trình tham vấn, chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, cử nhân tâm lý học có thể làm các công việc khác như trực các đường dây nóng hỗ trợ sơ cứu tâm lý, Làm việc trong các dự án hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho mọi đối tượng người dân trong các tổ chức phi chính phủ
Đối với việc trở thành Chuyên gia Tâm lý: Chức danh này đòi hỏi trình độ đào tạo cao hơn so với bậc cử nhân. Cần 4 năm đại học, 2 năm thạc sĩ hoặc các khóa đào tạo chuyên sâu, hàng trăm/nghìn giờ thực hành, thực tập, giám sát, tích lũy kinh nghiệm. Người tốt nghiệp thạc sĩ Tâm lý lâm sàng có thể làm các công việc sau:
- Giảng viên Tâm lý học tại các trường Đại học
- Nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về tâm lý, con người
- Chuyên viên tham vấn- trị liệu tâm lý tại các trung tâm tham vấn, bệnh viện, bệnh viện tâm thần
Nhìn chung, Tâm lý học là một ngành học có ứng dụng tương đối rộng rãi trong đời sống xã hội.
Để thành công trong lĩnh vực này, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần trang bị kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tư duy phân tích. Tại Đại học Hùng Vương TP.HCM, sinh viên không chỉ được đào tạo chuyên môn mà còn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và nghiên cứu tài liệu quốc tế, giúp họ tự tin bước vào thị trường lao động. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ về ngành Tâm lý học để có quyết định đúng đắn cho tương lai!
===========================
Khoa Khoa Học Sức khoẻ - Trường Đại học Hùng Vương TPHCM
Email: heal@dhv.edu.vn
Website: heal.dhv.edu.vn
===========================
True Value - Real Future | Giá trị THẬT - Tương lai THẬT
📍 TRUNG TÂM TUYỂN SINH – ACC
Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM (DHV)
🏫 Địa chỉ: Tầng G, Số 37 Kinh Dương Vương, P.12, Q.6, TP.HCM
🌐 Website: https://tuyensinh.dhv.edu.vn
📱 TikTok: @tuyensinhdhv
📩 Email: acc@dhv.edu.vn
Hotline: 02871 000 888 | 0888 158 001 (Zalo)